Mênh mang đỉnh phù vân Tây Yên Tử
Rừng núi và mây mù bạt ngàn trên đỉnh Tây Yên Tử sẽ đem đến cho ta những trải nghiệm thật khác biệt đó là sự thấu hiểu về cả đạo và đời.
Tây Yên Tử không phải là một điểm đến xa lạ với những người ưa du lịch khám phá, thích phượt với con đường hiểm hay ham mê trekking. Không chỉ có cảnh thiên nhiên kỳ thú hay những con đường mòn băng qua rừng, mà còn có những câu chuyện mang đậm sắc màu huyền bí của Phật giáo.
Tây Yên Tử không phải là một điểm đến xa lạ với những người ưa du lịch khám phá, thích phượt với con đường hiểm hay ham mê trekking. Không chỉ có cảnh thiên nhiên kỳ thú hay những con đường mòn băng qua rừng, mà còn có những câu chuyện mang đậm sắc màu huyền bí của Phật giáo.
Cụm di tích Tây Yên Tử thuộc dãy núi chạy từ Đông Yên Tử sang với độ cao gần 1000m so với mực nước biển, thuộc địa phận xã Bình Khê (Đông Triều, Quảng Ninh).
Nơi đây đã từng tồn tại một quần thể kiến trúc lớn và tinh xảo mang đậm phong cách của thiền phái Trúc Lâm dưới thời Trần.
Địa danh này đã được lịch sử ghi nhận là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông – người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm (1258 - 1308) chọn làm nơi tu thiền, đăng đàn thuyết pháp trong những năm cuối đời, đồng thời viên tịch tại đó.
Dọc đường, dấu tích còn lại của những ngôi chùa, am, tháp... gần 700 năm tuổi cứ dần dần hiện ra trong mây mù, nằm lặng lẽ sau những vách đá cheo leo và rừng trúc rợn ngợp cả tầm mắt.
Am Ngọa Vân
Đường đi từ Bến Châu là một hồ nước thơ mộng uốn quanh chân núi, đường mòn men theo những hàng thông cao vút đột ngột vắt qua một thung lũng nhỏ tràn đầy mây. Đó là bãi Đá Chồng, một bãi đá tự nhiên với hàng trăm tảng đá lớn nhỏ, có tảng to gần chục người ôm.
Rải rác xung quanh là những ngọn đồi đầy cỏ tranh lúp xúp như mâm xôi, thấp thoáng như dáng hình một con voi đang quay đầu về Ngọa Vân am.
Bãi Đá Chồng với muôn hình vạn trạng
|
Vài bậc đá rêu phong dẫn lên ngôi am nhỏ tựa lưng vào núi như hòa lẫn với núi rừng, thật khó có thể hình dung đây chính là nơi mà năm 1308, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã nhập Niết Bàn.
Am Ngọa Vân giản dị với những di tích vô giá một thời
|
Trải qua thăng trầm của lịch sử, cùng với địa thế trắc trở, những am, tháp ở Ngọa Vân đã bị “lãng quên” trong rừng rậm và mới chỉ được phát hiện hơn chục năm nay bởi những người đi rừng trên núi.
Nền xưa chỉ còn lại ngôi tháp tương truyền chứa xá lợi của Phật hoàng và một am nhỏ, thờ bức tượng khi ngài “hóa”, nằm nghiêng đầu, cành trúc mọc xuyên qua đùi mà không ai hay. Hơn chục năm trước, sư thầy và những phật tử hảo tâm đã cùng nhau dựng lại am, tháp như hiện nay.
Đứng trước tháp Tổ, nhìn khói hương bay nghi ngút giữa núi rừng, sự tĩnh tâm tràn ngập trong tâm trí tôi. Bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết, dường như những nỗi trăn trở cũng dừng lại với thời gian ở nơi đây.
Hồ Thiên tự
Đường sang chùa Hồ Thiên là con đường băng rừng rợn ngợp dưới những tán trúc dày đặc như không thấy mặt trời. Vài tán cây lá đỏ ối ven đường, hoa mua tím lác đác, đôi khi lại bắt gặp một bãi than “thổ phỉ” nham nhở và đen đúa.
Hồ Thiên là ngôi chùa nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, từng là trung tâm Phật giáo dưới thời Trần. Năm 1998, chùa được phát hiện trên dãy Yên Tử bởi Ban bảo tồn thiên nhiên tỉnh Bắc Giang.
Con đường dẫn sang chùa Hồ Thiên đi qua một thung lũng nhỏ tràn đầy mây
|
Hồ ở độ cao chừng 500m, ngang với chùa Hoa Yên đồ sộ ở sườn Đông, nằm giữa hai ngọn núi chạy song song, có thế tựa như chiếc ngai tựa vào lưng núi. Sau hàng trăm năm bị bỏ quên trong rừng rậm, khi được trở lại với cõi thực, chùa đã cùng chung “số phận” với am Ngọa Vân, chẳng còn gì ngoài những phế tích.
Bãi Đá Chồng nhìn từ đỉnh đối diện
|
Những dấu tích vách tường dày gần 1m, hàng chân cột đá xanh hình hoa sen phẳng lì xếp thẳng hàng rộng thênh thang, tháp đá 7 tầng sừng sững đã chứng minh vị thế của Hồ Thiên, đồng thời cũng cho thấy sự tàn phá khủng khiếp của hậu thế. Năm 2002, một ngôi chùa đơn sơ được dựng lại dựng trên nền cũ. Năm 2006, chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Dòng suối có màu đỏ kỳ lạ chắn ngang đường đi
|
Hoa trẩu ở Tây Yên Tử loài hoa trắng tinh khôi của núi rừng
|
Sư thầy trụ trì chùa Hồ Thiên - Thích Đạt Ma Trí Thông đã ở đây gần 11 năm, một mình tu thiền và coi sóc những di sản còn lại của những bậc tiền nhân. Những năm gần đây, cuộc sống của thầy bớt kham khổ hơn nhờ vào những phật tử vài ba ngày lại băng rừng lên núi mang theo thực phẩm và đồ dùng cần thiết.
Phế tích quần thể chùa Hồ Thiên xưa kia
|
Trong không gian tĩnh lặng gần như tuyệt đối, lắng nghe thầy trò chuyện về những lẽ sống ở đời, mới thấy đạo và đời chẳng bao giờ tách xa nhau. Hình ảnh bậc thiền sư áo vàng ngồi trong tư thế kiết già, giọng nói ấm áp và nụ cười hiền từ là đặc trưng những con người vứt bỏ mọi tục lụy trần thế, gửi mình nơi cửa Phật.
Tháp 7 tầng ở chùa Hồ Thiên
|
Vài Phật tử đang làm công quả trên chùa, cùng nhau đi chặt củi, hái rau, tự mình nấu bữa cơm thanh đạm nhưng đầy ý nghĩa.
Từ chùa nhìn ra chỉ thấy biển mây mù quanh năm, mây ùa đến rồi lại bay đi, quẩn mãi quanh chân. Cái tên Hồ Thiên, phải chăng là “biển trời”, nơi chỉ thấy mênh mang mây và gió? Trong không gian mờ ảo của mây mù, bóng áo tràng xám phất phơ trên những bậc đá, mọi người cùng làm lễ sám hối trước tượng Trúc Lâm Tam tổ. Lúc ấy, mới chợt hiểu phần nào về sự giác ngộ.
Mênh mang mây và gió nhìn từ Hồ Thiên
|
Đêm về, tiếng mưa rơi gõ lộp độp trên mái đá dường như càng làm không gian thêm tĩnh lặng. Người Phật tử đồng hành ngồi thiền đến khuya dưới ánh nến vàng vọt, khiến ta không biết mình đang ở cõi thực thực hay mơ.
Đến bao giờ những di sản quý giá ở Tây Yên Tử mới trở về với đúng vị thế của nó. Nhưng nếu những dốc núi kia được thay thế bằng cáp treo như một dự án sắp sửa tiến hành, liệu Hồ Thiên, Ngọa Vân có còn lại vẻ u tịch thâm nghiêm, thứ thực sự dành cho những con người muốn lánh tục mà tìm đến hay không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét